Bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp, nên rất dễ lây lan thành dịch. Bệnh thủy đậu thường xảy ra vào khoảng từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm, trong đó tập trung nhất là vào tháng 3.
Bệnh thuỷ đậu xảy ra khi nào?
Thuỷ đậu là bệnh do virus varicella zoster vius (VZV) gây nên. Bệnh thủy đậu lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp, nên rất dễ lây. Khi người bị bệnh thủy đậu nói, hắt hơi (nhảy mũi) hoặc ho... thì virus theo nước bọt, nước mũi bắn ra ngoài tan thành bụi. Người khác hít phải bụi này sẽ bị lây bệnh, vì vậy bệnh dễ bùng phát thành dịch.
Trong điều kiện thời tiết đang ẩm thấp như hiện nay là cơ hội cho các loại virus phát triển và phát tán nhanh chóng, trong đó có virut Varicella zoster gây bệnh thủy đậu. Bệnh xảy ra tập trung từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm, trong đó nhiều nhất là vào tháng 3. Những người có nguy cơ mắc thuỷ đậu cao như trẻ sơ sinh, trẻ em bị bệnh bạch cầu cấp, bệnh nhân thiếu hụt miễn dịch (điều trị ung thư, nhiễm HIV)…
Sau khi virut xâm nhập cơ thể, phải qua thời gian khoảng 10 - 20 ngày (gọi là thời kỳ ủ bệnh) người bệnh mới xuất hiện các triệu chứng của một người nhiễm virut (mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và ngứa, chán ăn...). Lúc này, trên da người bệnh có thể xuất hiện những nốt ban đỏ có đường kính vài milimet bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân.
Sau đó, các nốt ban phát triển thành các nốt phỏng có dịch nước bên trong rồi đục dần, có mủ và sau 8 - 10 tiếng thì vỡ ra và đóng vảy. Nốt đậu nổi nhiều là dấu hiệu cảnh báo bệnh có thể diễn tiến nặng. Bệnh kéo dài từ 7 - 10 ngày. Nếu không có biến chứng, các nốt đậu sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm khuẩn mụn nước có thể để lại sẹo.
Dùng thuốc gì khi bị thuỷ đậu ?
Khi bị thuỷ đậu có thể dùng một số thuốc sau:
Thuốc uống chống virus (như acyclovir...) sẽ làm giảm độ nặng của bệnh và giảm các ca nhiễm thứ phát. Dùng thuốc càng sớm càng tốt khi có dấu hiệu triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên khi dùng thuốc này một số tác dụng không mong muốn có thể xảy ra như buồn nôn, nôn. Đối với người suy giảm miễn dịch khi dùng acyclovir đồng thời với zidovudin có thể gây trạng thái ngủ lịm và lơ mơ.
Với triệu chứng ngứa có thể khắc phục bằng cách uống kháng histamin tổng hợp hoặc bôi kem kháng histamin. Kháng histamin uống có thể dùng chlopheniramin, siro phenergan… Thuốc có thể gây ngủ gà, khô miệng… Đối với trẻ em nên dùng dạng siro nhưng khi dùng cần chú ý để tránh dùng quá liều (các dấu hiệu quá liều ở trẻ em thường gặp nhất là hưng phấn với kích động, ảo giác, mất điều hòa, không phối hợp được động tác, múa vờn và co giật…).
Có thể bôi xanh- methylen, hồ nước, mỡ kháng sinh (mỡ bactroban) và uống uống kháng sinh để chống bội nhiễm vi khẩn.
Trường hợp có sốt cần uống thuốc hạ sốt như paracetamol. Người bệnh cần nằm nghỉ trong thời kỳ có sốt, tránh gãi vì có thể gây sẹo vĩnh viễn.
Bệnh Thủy Đậu có độ lây lan cao nên chủng ngừa bằng vắc-xin là biện pháp hữu hiệu giúp ngăn ngừa bệnh và giảm độ nặng của bệnh.
Theo BS Nguyễn Bích Ngọc - Sức khỏe và Đời sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét