Latest News

Cần lưu ý gì khi sử dụng penicilin điều trị viêm họng do liên cầu khuẩn


 Penicilin được coi là thuốc đầu tiên được chỉ định khi người bệnh được xác định mắc viêm họng do liên cầu khuẩn. Thuốc ít gây độc nhưng vẫn cần phải sử dụng đúng liều lượng, thời gian để tránh những tai biến, có khi tử vong khi dùng không đúng cách.

Nhận diện viêm họng do liên cầu khuẩn

Liên cầu khuẩn (Streptococcus) là một trong những căn nguyên gây viêm họng gọi là Streptococcus pyogenes hoặc liên cầu nhóm A. Loại vi khuẩn này gây ra một số triệu chứng đặc trưng và thường nặng hơn các nguyên nhân gây viêm họng khác kể cả các biến chứng toàn thân nặng nề như viêm thận viêm khớp, thấp tim, tổn thương van tim.

Khi bị viêm họng do liên cầu khuẩn, người bệnh sốt cao đột ngột 39 - 40oC, có thể phát ban, đau bụng và đôi khi nôn mửa, đặc biệt là ở trẻ nhỏ kèm theo là đau họng, khó nuốt, nói giọng ngậm hạt thị. Hạch cổ sưng to ấn đau.

Khám họng niêm mạc họng đỏ, amiđan sưng, có giả mạc màu trắng bẩn. Người bệnh được thực hiện xét nghiệm nuôi cấy định danh vi khuẩn, xét nghiệm kháng nguyên nhanh chóng trên các mẫu swab để kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn, bao gồm cả vi khuẩn liên cầu.


Sử dụng kháng sinh penicilin ngay khi được chẩn đoán

Chỉ định sử dụng kháng sinh ngay sau khi được chẩn đoán với liều dùng tùy thuộc từng người bệnh, sự nhạy cảm của vi khuẩn với kháng sinh, chức năng thận, cân nặng, tuổi... Kháng sinh sử dụng trong trường hợp này là penicilin G.

Đây là kháng sinh thuộc nhóm beta - lactam, dạng thuốc bột tan trong nước để tiêm, dạng viên nén 200.000 đơn vị dùng để uống. Penicilin G diệt khuẩn bằng cách ức chế sự tổng hợp vỏ tế bào vi khuẩn.

Tuy nhiên, tác dụng này bị giảm bởi penicilinase và các beta - lactamase khác. Penicilin G không bền trong môi trường acid, do đó không được hấp thu qua đường uống. Khả dụng sinh học theo đường uống chỉ đạt khoảng 15 - 30%.

Do vậy, penicilin G chủ yếu được dùng đường tiêm và tốt nhất nên tiêm tĩnh mạch. Benzylpenicilin vào máu nhanh sau khi tiêm bắp dạng muối tan trong nước và thường đạt được nồng độ cao nhất trong vòng 15 - 30 phút.

Nửa đời trong huyết tương khoảng 30 - 50 phút ở người bệnh bình thường, liều cho người bệnh trên 60 tuổi nên giảm khoảng 50% so với liều người lớn, vì chức năng thận bị giảm. Benzylpenicilin được chuyển hóa rồi bài tiết nhanh ở ống thận ra đường nước tiểu.

Thận trọng khi dùng penicilin

Những người dị ứng với các penicilin được chống chỉ định với loại thuốc này. Bên cạnh đó, cần thận trọng khi dùng penicilin natri liều cao ồ ạt có thể dẫn đến giảm kali huyết và đôi khi tăng natri huyết. Nên dùng kèm theo thuốc lợi tiểu giữ kali. Dùng thuốc với người bệnh suy giảm chức năng thận, có thể gây kích ứng não, co giật và hôn mê. Có thể xảy ra quá mẫn với da khi tiếp xúc với kháng sinh, nên thận trọng tránh tiếp xúc trực tiếp  với thuốc.

Thận trọng đặc biệt khi dùng benzyl penicilin liều cao cho người đã bị động kinh. Với phụ nữ mang thai chỉ sử dụng khi thật cần thiết. Do penicilin được bài tiết qua sữa nên thận trọng khi dùng trong thời kỳ cho con bú, vì có những ảnh hưởng của kháng sinh nói chung với trẻ nhỏ như: dị ứng, thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột.


Dùng penicilin có tác dụng phụ không ?

Penicilin có độc tính thấp, nhưng là chất gây mẫn cảm đáng kể, thường gặp nhất là phản ứng da, xấp xỉ 2% trong số bệnh nhân điều trị. Những phản ứng tại chỗ ở vị trí tiêm thuốc cũng hay gặp với biểu hiện ban đỏ ngoài da, viêm tĩnh mạch huyết khối.

Phản ứng phụ ít gặp là tăng bạch cầu ưa acid, mày đay ngoài da, hiếm gặp các phản ứng phản vệ hoặc thiếu máu tan máu, giảm bạch cầu. Có thể thấy những triệu chứng của não như động kinh, đặc biệt ở những người bệnh có chức năng thận giảm trên 60 tuổi và trẻ sơ sinh nên xem xét cho giảm liều penicilin và điều trị chống co giật.

Các trường hợp quá liều có thể gây phản ứng có hại tới thần kinh như co giật, liệt và có thể tử vong. Khi dùng quá liều, phải ngừng dùng thuốc, điều trị triệu chứng và hỗ trợ theo yêu cầu. Penicilin G kali có thể được loại bỏ qua lọc máu nhân tạo. Sử dụng kháng sinh trong 2 tuần liên tục dưới sự theo dõi của bác sĩ tai mũi họng để tránh các tai biến có thể xảy ra.


Theo TS. Phạm Bích Đào - Sức khỏe và Đời sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sức khỏe cộng đồng Designed by Templateism.com Copyright © 2015

Hình ảnh chủ đề của Bim. Được tạo bởi Blogger.