Latest News

Bình tĩnh khi bị U xơ tử cung


Bị u xơ tử cung - lo quá hóa khổ

Thời gian gần đây, chị Lâm Thu Hà, 40 tuổi, ở Bình Quới, Q. Bình Thạnh, TPHCM bị rong kinh kéo dài dẫn đến mệt mỏi, kém ăn, da tái xanh… Nếu bình thường chu kỳ kinh nguyệt của chị chỉ kéo dài từ 3-5 ngày thì lần này hơn 1 tuần vẫn chưa hết.

 

Đợi đến ngày 15 vẫn thấy ra máu, chị Hà mang khuôn mặt nhăn nhó đến “cầu cứu” tại phòng khám sản khoa gần nhà và càng choáng váng khi được chẩn đoán: Có một u xơ trong buồng tử cung.

Chị Hà kể: “Phút được thông báo, tôi chết điếng người. Trong đầu tôi suy nghĩ miên man và còn nghĩ đến cái chết. Tôi bị u xơ, có phải là bị ung thư không? Số phận tôi ngắn ngủi như vậy sao?

May nhờ bác sĩ tư vấn, phân tích về căn bệnh này, tôi mới phần nào tĩnh tâm lại... Theo đó, khối u của tôi rất may có kích thước nhỏ, hướng điều trị trước mắt là uống thuốc. Tôi mừng như “từ cõi chết trở về”….

Chị Khổng Như Hiền, 46 tuổi (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay: 5 năm về trước, chị thấy bụng mình tự nhiên to ra trong khi các phần khác vẫn không thay đổi chỉ số. Nghĩ mình “béo bụng”, chị phớt lờ đi. Đến khi xuất hiện rong kinh kéo dài kèm đau bụng, chị mới chịu đến bệnh viện và được các bác sĩ xác định chị bị UXTC.

Khối u của chị Hiền đã lớn, có nhiều “chân” bám vào tử cung nên buộc phải phẫu thuật ngay. Qua thăm hỏi, các bác sĩ được biết chị Hiền không còn nguyện vọng sinh thêm con nên để chữa triệt để, các bác sĩ đã cắt bỏ toàn bộ tử cung của chị. Sau ca mổ, chị tắt kinh nhưng sức khỏe thì ổn định. Dù gì, điều đó cũng khiến chị Hiền xáo trộn tâm lý trong một thời gian dài.

Còn chị Trần Thị Ngọc (50 tuổi, Cư xá Thanh Đa, Q. Bình Thạnh, TPHCM) lẽ ra đã mổ xong UXTC nhưng do lúc lên bàn mổ lo sợ quá mà huyết áp của chị tăng tới 180. Bác sĩ cũng “sợ” mà không dám mổ tiếp cho chị.

Từ khi biết mình bị UXTC, chị Ngọc đã hoang mang vô cùng và nghĩ bị u chắc là ung thư, sắp chết tới nơi. Cũng chẳng hiểu vị bác sĩ chị khám tư vấn thế nào mà chị vẫn không đủ can đảm lên bàn mổ, mặc dù đã được người thân động viên, nói đây không phải ca phẫu thuật quá phức tạp.

U xơkhông rõ nguyên nhân

BS. Nguyễn Thị Xuân, PKĐK Xuân Khánh, Chương Mỹ, Hà Nội giải thích: Tử cung là một khối cơ, có vai trò như một chiếc túi đựng thai lúc người phụ nữ mang thai. Khi có một nơi nào đó trong tử cung bị xơ hóa thì gọi là nhân xơ tử cung. Có khi chỉ có một nhân xơ, nhưng cũng có trường hợp có nhiều nhân xơ. Khi khối u to và chiếm toàn bộ tử cung gọi là UXTC.

UXTC là u lành tính của cơ tử cung, phát triển theo thời gian với tốc độ khác nhau tùy từng bệnh nhân. UXTC có nhiều loại như: u xơ dưới thanh mạc tử cung (nằm ở mặt ngoài tử cung); u xơ trong cơ tử cung; u xơ dưới niêm mạc tử cung (nằm ở mặt trong tử cung); khối u xơ có thể nằm ở đáy, thân, eo hay cổ tử cung. Tùy theo vị trí của khối u xơ mà sẽ có những triệu chứng và các bước tiến triển khác nhau.

Không có số liệu chính xác tại Việt Nam, tuy nhiên có gần nửa số trường hợp phẫu thuật phụ khoa là vì lý do liên quan đến UXTC. UXTC là bệnh khá thường gặp, xuất hiện ở tuổi sau 40, số ít trường hợp xuất hiện ở tuổi 30 hoặc sớm hơn. Có một điều chắc chắn là estrogen - một trong hai nội tiết tố sinh dục nữ quan trọng có vai trò thúc đẩy sự phát triển của UXTC.

Chính vì vậy u phát triển mạnh trong độ tuổi sinh sản, nhất là khoảng gần mãn kinh là lúc có estrogen biến động nhiều và sẽ nhỏ lại hay không phát triển thêm sau mãn kinh (là lúc estrogen bị sụt giảm mạnh). Đến nay các nhà chuyên môn vẫn chưa xác định được nguyên nhân của bệnh UXTC.

U xơ tử cung - không quá đáng lo

Theo BS Nguyễn Thị Xuân phần lớn bệnh UXTC không biểu hiện những triệu chứng rõ ràng lúc khối u xơ còn nhỏ. Một khi có những triệu chứng rõ thì thường khối u xơ đã rất lớn. Các bác sĩ phát hiện khối u rất dễ qua siêu âm hoặc qua khám phụ khoa. Độ lớn của khối u là khác nhau, mức độ phát triển của khối u cũng tùy từng người.

Triệu chứng thường gặp của UXTC là rong kinh kéo dài. Rong kinh kéo dài dễ dẫn đến tình trạng thiếu máu, người mệt mỏi, xanh xao, bụng to, nhất là vùng bụng dưới rốn. Khi khối u to, chèn ép các cơ quan lân cận, thì có thể gây triệu chứng như đau bụng dưới, rối loạn tiêu, tiểu...

Đối với những trường hợp khối UXTC còn nhỏ, bác sĩ sẽ theo dõi định kỳ, từ 3-6 tháng/lần và sẽ điều trị nội khoa. Điều trị nội khoa để làm giảm các biến chứng rong kinh, rong huyết, cũng như làm cho khối u chậm phát triển hoặc teo nhỏ tuy nhiên cách thức này không triệt để, bệnh dễ phát triển trở lại khi ngừng thuốc.

Khi khối u có kích thước lớn hoặc khối u gây biến chứng sẽ áp dụng điều trị bằng phẫu thuật. Điều trị UXTC chủ yếu là phẫu thuật theo hai phương pháp sau: bóc tách nhân xơ (bảo tồn tử cung) hoặc cắt tử cung bán phần hay toàn phần (để tránh nguy cơ tái phát u). Bệnh nhân được thực hiện bằng mổ mở hoặc nội soi ổ bụng, cũng có thể nội soi qua “đường dưới”.

Chỉ định điều trị theo hình thức nào là tùy theo kích thước, số lượng khối u, vị trí khối u, tuổi tác và số con đã có của từng phụ nữ. Có những trường hợp khối u không chỉ một, hai cục mà rất nhiều, nằm rải rác trong lòng tử cung thì buộc phải cắt bỏ cả tử cung. Việc cắt bỏ tử cung không làm ảnh hưởng đến chuyện sinh hoạt vợ chồng nhưng bệnh nhân sẽ mất kinh nguyệt và không thể mang thai được nữa.

Ngoài phương pháp trên, nhiều năm trở lại đây, ở Việt Nam đã thực hiện điều trị không phẫu thuật bằng phương pháp tắc mạch (nút mạch) UXTC. Đây là phương pháp bảo tồn không phẫu thuật.

Phương pháp này khiến cho khối u sẽ bị thiếu ôxy và chất dinh dưỡng, dẫn đến hoại tử vô trùng. Từ đó, khối u dần dần teo nhỏ trở thành một sẹo không có mạch máu hoặc biến mất hoàn toàn. Tắc mạch UXTC không chỉ định can thiệp điều trị với phụ nữ đang mang thai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sức khỏe cộng đồng Designed by Templateism.com Copyright © 2015

Hình ảnh chủ đề của Bim. Được tạo bởi Blogger.