Latest News

Nguy cơ dễ mắc bệnh phụ khoa khi mãn kinh

Càng chủ quan càng nguy hiểm


Chị Thu Loan (huyện Củ Tri, TPHCM) đang ở cái tuổi “nhạy cảm”, với các dấu hiệu của tuổi mãn kinh với những biểu hiện như bốc hỏa, thay đổi tâm tính, suy giảm sức khỏe không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống của chị. Tuy vậy, gần đây chị liên tục bị ngứa ngáy ở khu vực “vùng kín”, lại thường xuyên bị đái rắt, đái buốt...

Chị Loan nghĩ một thời gian sẽ hết nên chỉ dùng dung dịch vệ sinh để vệ sinh cơ thể. Tình trạng ngứa ngáy và đi tiểu nhiều ngày càng trở nên khó chịu lại cộng thêm cả những cơn đau bụng dưới âm ỉ khiến chị không thể làm việc được. Phần vì lo lắng mình mắc phải bệnh hiểm nghèo, phần vì quá khó chịu, chị Loan nhờ con gái đưa đi khám.

Bác sĩ thăm khám và kết luận chị Loan vừa bị viêm nhiễm đường tiết niệu vừa bị viễm nhiễm phụ khoa cần phải uống thuốc và đặt thuốc. Tuy phải mất một khoản tiền kha khá để mua thuốc uống và tẩm bổ cho cơ thể nhưng vấn đề mà chị Loan gặp phải không quá phức tạp và có thể chữa khỏi.

Không may như chị Loan, chị Mai Phương (Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội) cũng đang ở độ tuổi mãn kinh, nhưng quá chủ quan trước các triệu chứng bất thường của cơ thể nên đến khi đi khám và chụp chiếu chị mới biết chị bị ung thư niêm mạc tử cung. Chẳng là dạo gần đây chị thỉnh thoảng lại bị chảy máu, người ta vẫn hay gọi là chứng rối loạn kinh nguyệt.

Lần đầu tiên bị rong kinh chị Phương cũng rất lo lắng, nhưng đọc tài liệu trên mạng thấy nói do lượng hormone giới tính nữ không còn như bình thường khi cơ thể bước vào độ tuổi tiền mãn kinh, nên việc kinh nguyệt bị rối loạn là chuyện bình thường.

Có khi hai, ba tháng, thậm chí lâu hơn chị mới “bị” một lần, cũng có khi một tháng lại “bị” đến hai lần, hoặc bị rong kinh kéo dài hàng nửa tháng. Có đợt phải đến 6 tháng chị Phương tắt kinh, cứ tưởng hết hẳn thì lại “bị”, lần này lượng máu ra nhiều, lại lâu sạch.

Cứ liên tục như thế đến chừng nửa tháng thì chị Phương liên tục bị váng vất, mệt mỏi, bải hoải chân tay do mất máu nhiều. Chồng chị Phương lo lắng thấy sức khỏe chị giảm sút đã đưa chị đến Bệnh viện Phụ sản TW khám, làm xét nghiệm.

Đến khi có kết luận chị Phương bị ung thư niêm mạc tử cung giai đoạn hai thì cả nhà mới tá hỏa. Chị Phương đã gầy lại càng gầy rộc thêm vì lo lắng và áy náy vì mình không biết quan tâm, chăm sóc đến sức khỏe của mình, giờ lại khổ chồng khổ con.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ

BS.CKII Nguyễn Thị Ngọc Thủy (BV Phụ sản TW, Hà Nội) cho biết, những trường hợp như chị Loan hay chị Phương không phải là trường hợp hi hữu. Rất nhiều phụ nữ hiểu sai về các bệnh phụ khoa và thường không có ý thức thăm khám định kỳ. Những sai lầm này thường dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Theo BS Ngọc Thủy: “Từ độ tuổi 45, chị em phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh. Đây là giai đoạn có nhiều thay đổi trong cả thể chất và tinh thần do công năng của buồng trứng kém, dẫn đến thiếu hụt estrogen, “vùng kín” dễ bị viêm nhiễm. Vì thế, chị em cần lắng nghe cơ thể và đi kiểm tra phụ khoa ít nhất là 1 lần/1 năm”.

Để khắc phục tình trạng này, BS Thủy cũng khuyên chị em nên tập thể dục đều đặn bằng những bài tập đơn giản và phù hợp với sức khỏe, tuổi tác như: đi bộ, luyện tập yoga… Đây đều là những phương pháp hiệu quả giúp chị em có được tinh thần ổn định, khí huyết điều hòa… Mặt khác nên sử dụng các loại thực phẩm có khả năng tăng cường và khôi phục sự cân bằng hormone như: đậu nành, hà thủ ô, thổ phục linh…


Theo Mai Phương - Sức khỏe gia đình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sức khỏe cộng đồng Designed by Templateism.com Copyright © 2015

Hình ảnh chủ đề của Bim. Được tạo bởi Blogger.